TẾT TRUNG THU – CHUSEOK “KHÁC LẠ” CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC
So với Tết Trung thu Việt Nam, tết Trung thu Hàn Quốc (Chuseok) có nhiều điểm khác lạ và đặc biệt. Cùng Tiếng Hàn Cần Thơ New Windows khám phá ngày tết Trung thu của xứ sở Kim Chi nhé!
1. Lễ Chuseok
Tết Trung thu của Hàn còn được gọi là lễ Chuseok, Chuseok mang ý nghĩa là lễ thu hoạch, hay hội mùa. Người Hàn Quốc sử dụng các sản phẩm mới gặt hái được trong năm để chế biến kính dâng lên tổ tiên. Càng về sau lễ Chuseok còn mang ý nghĩa là ngày lễ tưởng nhớ những người đã khuất và là dịp để sum họp, đoàn tụ của gia đình.
Tết Trung thu là ngày tết lớn thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán, thường được tổ chức từ những đêm trước ngày rằm và chỉ kết thúc sau ngày 15-8 âm lịch. Vào dịp này người Hàn Quốc luôn dành ba ngày nghỉ lễ để quây quần bên gia đình, bè bạn.

2. Các món ăn đặt trưng của ngày Tết Trung thu Hàn
Bánh Songpyeon
Songpyeon là một loại bánh gạo đặc biệt, được làm từ các nguyên liệu bổ dưỡng cho sức khỏe như bột gạo, đỗ xanh, hạt dẻ, đậu đỏ, mè, dầu, lá thông và lá dừa.
Vào ngày lễ Chusoek, bánh không chỉ được các bà mẹ làm mà còn có sự chung tay, góp sức của mọi thành viên trong gia đình thể hiện sự sum vầy, yêu thương, gắn bó với nhau. Người Hàn Quốc tin rằng, những cô dâu tương lai khéo tay nặn những chiếc bánh songpyeon đẹp đẽ, thơm ngon thì sẽ lấy được một người chồng tốt nết, đẹp trai. Còn những ai đã có gia đình và đang mang bầu, thì sẽ sinh con gái ngoan ngoãn, giỏi giang và xinh xắn, đáng yêu như mặt trăng.

Baekiu
Một trong những đồ uống không thể thiếu được trong ngày Chuseok, đó là rượu truyền thống baekju, hay còn gọi là rượu trắng. Trước đây, người dân Hàn Quốc quanh năm chỉ mong chờ đến ngày Chuseok để cùng nhau thưởng thức, chia sẻ với bạn bè, gia đình và ngay cả những người không quen biết món rượu baekju.

Mâm lễ cúng
Người Hàn chuẩn bị mâm lễ cúng tết trung thu rất công phu. Mâm cúng thường do người con trưởng trong gia đình bày biện và điều hành các phần lễ long trọng tiếp theo. Mâm lễ chia thành năm hàng, xếp phía dưới bài vị tổ tiên, theo thứ tự từ trên xuống dưới.

Trên cùng bày các loại bánh songpyon, cơm, canh, rượu. Hàng thứ hai bày canh thịt bò, canh rau và cá hấp. Người sắp xếp cũng phải tuân theo hai nguyên tắc: cá phải được đặt về phía đông, thịt xếp về phía tây; đầu cá quay về phía đông, đuôi cá phía tây. Hàng thứ ba có cặp nến ở hai bên, bày thịt, súp và cá. Hàng thứ tư là một hoặc hai đĩa kẹo, vài lát cá khô, các loại canh nấu từ giá, rong biển. Hàng thứ năm là trái cây và các loại kẹo.
3. Những hoạt động trong ngày Chuseok
Múa ganggangsullae

Dịp Chuseok, trong số nhiều trò chơi dân gian, điệu múa ganggangsullae luôn được tổ chức ở khắp các địa phương trên xứ sở kim chi. Vào buổi tối trung thu, phụ nữ Hàn Quốc mặc những bộ hanbok đẹp nhất rồi tụ họp lại giữa sân làng, nắm tay nhau xếp thành vòng tròn, vừa hát vừa nhảy múa.
Ssireum
Ssireum là tên gọi của một bộ môn đấu vật truyền thống của người Hàn Quốc. Vào dịp Tết Chuseok, các chàng trai trong những ngôi làng ở nông thôn sẽ tham gia thi đấu để thể hiện sức mạnh trước mọi người. Ssireum sẽ được tổ ngay ở bãi cỏ hoặc trên bãi cát trong làng theo hình thức đấu loại trực tiếp. Người chiến thắng phải là người đánh bại hết các đối thủ và trụ lại được đến cuối cùng. Người này được tôn vinh là Jangsa (tráng sĩ), sẽ nhận nhiều giải thưởng từ phía dân làng.

Juldarigi
Juldarigi là trò chơi kéo co truyền thống của người Hàn Quốc dành cho mọi lứa tuổi trong dịp Tết Chuseok. Để có thể tổ chức được trò chơi này, trước đó những người đàn ông sẽ hợp sức để kết một sợi dây thật lớn bằng rơm. Đường kính của sợi dây này có khi lên đến hơn nửa mét và dài hàng chục mét để nhiều người có thể tham gia. Ngày xưa, người chơi thường là người dân trong một ngôi làng hay nhiều làng khác nhau và sẽ được chia là hai đội gồm một bên nam và một bên nữ. Nếu bên nữ thắng thì mùa vụ năm sau sẽ được bội thu. Tuy nhiên, ngày nay, Juldarigi đã dần trở thành một sinh hoạt cộng đồng được tổ chức phổ biến nhằm tạo nên sự sôi động vào mỗi dịp Tết Chuseok.
Beolcho và Seongmyo
Nghi lễ cúng tổ tiên này được thực hiện từ sáng sớm. Quan trọng nhất là nghi thức beolcho và seongmyo, cũng gần giống với phong tục tảo mộ vào tiết Thanh minh của người Việt. Các gia đình sẽ cùng nhau đến thăm mộ tổ tiên, cắt cỏ dại và dọn dẹp khu vực xung quanh mộ. Sau đó, mọi người cùng nhau đi về nhà và tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành nghi lễ tưởng niệm.
